Cuộc chiến chống lại rác thải nhựa đang làm chúng ta quên đi những thứ ô nhiễm trực tiếp và vô cùng nguy hiểm.
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Úc đã hợp tác với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, chính sách và các tổ chức từ thiện liên quan đến môi trường để lập một báo cáo về tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không chỉ do rác thải nhựa gây ra.
Báo cáo nhấn mạnh rằng những hành động chống lại ô nhiễm nhựa thể hiện qua những dòng tiêu đề cảnh báo trên phương tiện truyền thông, những bức ảnh gây xúc động, những hành động “rửa xanh” có thể dễ dàng xoa dịu những nỗi lo về ô nhiễm môi trường, và làm mọi người hiểu nhầm về những mối đe dọa hiện hữu khác đối với môi trường.
Nhựa là một vật liệu cực kỳ hữu ích đến nỗi cuộc sống hiện đại ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào nó. Tuy nhiên, nhựa cũng trở thành một trong những vấn đề môi trường nóng hổi hiện nay. Trong vài năm gần đây, ô nhiễm nhựa đã khuyến khích hành động của các cá nhân, tổ chức và chính phủ ở các cấp độ tương đương với ứng phó với những mối đe dọa khủng khiếp nhất cho môi trường, như là biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Mối quan tâm này là chính đáng bởi vì ô nhiễm nhựa có thể làm rối loạn đời sống của động vật hoang dã, xâm nhập vào cơ thể con người, đem theo các hóa chất độc hại và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Nhưng cho dù các sản phẩm nhựa đang ngày càng bị nhiều người thù ghét thì chúng vẫn chỉ là một nhóm nguyên liệu mà chúng ta không thể sống thiếu được và cũng không nên loại bỏ hẳn. Chúng ta nhìn nhận rằng bản thân các sản phẩm nhựa không phải là vấn đề và chính việc không đánh giá đúng mức các nguy cơ do nhựa gây ra mới làm trầm trọng thêm các thảm họa môi trường và xã hội.
Người ta đã biết đến tác hại đối với môi trường của một số tác nhân ô nhiễm khác ngoài nhựa. Các khí nhà kính như carbon dioxide và methane là một trong những nguyên nhân của vấn đề ấm lên toàn cầu. Bụi mịn trong không khí gây ra các bệnh đường hô hấp và là thành phần chính của sương khói. Bức xạ từ thảm họa hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thiên nhiên hoang dã xung quanh.
Ô nhiễm do phân bón hiển hiện ở khắp mọi nơi, và nếu phân bón bị rửa trôi quá nhiều xuống nguồn nước thì có thể kích thích sự phát triển quá mức của các loại tảo.
Nhưng các yếu tố khác gây ô nhiễm môi trường theo những cách mà hầu hết mọi người đều nhận thấy từ lâu trước khi họ quan ngại về ô nhiễm nhựa. Hoạt động nông nghiệp dẫn đến việc dư thừa các chất dưỡng và ô nhiễm thuốc trừ sâu. Thiết bị điện tử, phương tiện giao thông vận tải và các tòa nhà cần đến vô vàn các kim loại gây độc. Các kim loại này rò rỉ vào môi trường sau khi chúng hết thời gian sử dụng. Các loại thuốc được rửa trôi xuống cống và không được cơ thể chúng ta chuyển hóa hoàn toàn (không sử dụng hết) cũng tìm đường trôi ra sông và hồ.
Những thực tế ít được biết đến này diễn ra trong cuộc sống hàng ngày đã làm môi trường xuống cấp và vô cùng độc hại cho thiên nhiên. Vì chúng là các hóa chất, hơn là các hạt vi nhựa, nên các chất gây ô nhiễm này cũng dễ phát tán hơn nhựa và trong trường hợp các hóa chất độc hại thì chúng còn bền vững hơn, tồn tại lâu hơn rất nhiều so với nhựa.
Ô nhiễm nhựa đang làm chúng ta sao nhãng khỏi những sự thực không mấy dễ chịu này. Ví dụ: việc cấm sử dụng vi hạt trong mỹ phẩm chỉ xử lý được một phần rất nhỏ của vấn đề ô nhiễm nhựa. Không thể chỉ bằng cách đó mà ngăn chặn được sự có mặt của các vi hạt này trong môi trường.
Nhựa chỉ là một loại vật liệu do con người tạo ra trong môi trường. Các sợi vải có nguồn gốc từ nhựa như là polyester hay nylon là một dạng ô nhiễm nổi bật, nhưng chính các loại sợi tự nhiên như len và bông gần đây đã được tìm thấy nhiều hơn trong các mẫu rác thải trong môi trường. Mặc dù có thể phân hủy sinh học, nhưng khi những sợi tự nhiên này phân hủy, chúng có thể làm trôi các hóa chất có hại, chẳng hạn như thuốc nhuộm, vào môi trường.
Thủy tinh và nhôm đôi khi được quảng cáo là giải pháp cho ô nhiễm chai nhựa, nhưng thực ra hai vật liệu này lại gây ra nhiều dấu chân carbon hơn so với những đồ dùng nhựa mà chúng thay thế. Và rất nhiều phương án thay thế khác cũng rất bền vững trong môi trường. Một người sẵn sàng vứt một vỏ chai nhựa xuống sông cũng sẽ không thay đổi hành vi khi người đó sử dụng một bình đựng bằng nhôm.
Vấn đề là ở sản phẩm, không phải là ở nhựa. Nhu cầu về sự tiện lợi, những ngành phụ thuộc vào tiêu thụ quá mức, và văn hóa xây dựng chính sách vì tính phổ biến đại trà chứ không vì tiến triển, đều là gốc rễ của câu chuyện ô nhiễm nhựa. Nhưng ô nhiễm nhựa chỉ là một mẩu của bức tranh bạn nhìn thấy.
Kim loại cũng tồn tại trong môi trường trong thời gian rất dài.
“Nhựa” và “ô nhiễm nhựa” thường bị hiểu nhầm một cách dễ dàng. Ô nhiễm nhựa là một triệu chứng dễ thấy và dễ liên tưởng đến việc tiêu thụ không bền vững, thiết kế sản phẩm không phù hợp, quản lý rác thải yếu kém và chính sách không cần thiết.
Phát thải khí nhà kính, mất đa dạng sinh học, thực hành lao động bóc lột và ô nhiễm hóa chất không được nhìn nhận rõ ràng hoặc tác hại của chúng xảy ra trong một quá trình lâu dài. Nhưng một khi tác hại của chúng xảy ra đến mức có thể nhìn thấy được thì thường là đã quá muộn để có thể cứu được môi trường mà chúng đã hủy hoại.
Ô nhiễm nhựa đã huy động được những hành động bảo vệ môi trường cao ở mức chưa từng thấy. Nhưng để thành công, những hành động này cần tập trung vào những nguyên nhân thực sự, như là tiêu thụ quá mức cần thiết những sản phẩm dùng một lần, hơn là chỉ đơn giản chú ý đến sự có mặt của nhựa trong môi trường. Và cũng cần nhìn nhận ô nhiễm nhựa trong bối cảnh có cả những yếu tố khác, những tác nhân gây ô nhiễm hơn nhiều so với nhựa.