Trang chủ      

Ý kiến khách hàng

Video

Banner trái

Khuyến cáo an toàn khi làm việc trong môi trường có amoniac NH3

Khuyến cáo an toàn khi làm việc trong môi trường có amoniac

– Những người làm việc trong môi trường có amoniac cần đề cao cảnh giác nguy cơ bị ngộ độc hơi amoniac cấp, bị bỏng lạnh và tai nạn nổ khi áp suất cao. Do vậy, tại các vị trí có nguy cơ rò rỉ NH3 cần phải có hệ thống cảnh báo và phương tiện xử lý sự cố, cấp cứu như nước, bình bọt…

– Những người làm việc với NH3 lỏng phải được đào tạo về chuyên môn và về cách xử lý các sự cố liên quan. Đồng thời phải có các thiết bị bảo hộ cần thiết như mặt nạ, kính bảo hộ, găng tay và ủng cao su butyl, quần áo bảo hộ chuyên dụng…

– NH3 lỏng có khả năng gây độc, nổ nên các bình chứa amoniac dùng khi chuyên chở, bảo quản và sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn và kiểm tra các thiết bị theo đúng quy định.

– Người làm việc cần đeo mặt nạ hoặc kính đeo mắt và khẩu trang ướt, đi ủng và găng tay cao su butyl để phòng hộ. Khi thao tác cần đứng tại vị trí ngược hướng gió với nguồn NH3.

– Tại nơi làm việc với NH3 lỏng cần có sẵn nguồn nước dùng khi cần cấp cứu sự cố. Nếu chẳng may amoniac lỏng tiếp xúc vào da hoặc mắt, cần rửa ngay bằng nhiều nước nguội trong 15 phút và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cứu chữa. Hơi NH3 trong không khí có thể được loại trừ bằng cách dùng nước phun sương.

– Không để bình chứa NH3 lỏng ở khu vực có nhiệt độ cao trên 50 độ C, gần lửa hay phơi nắng quá lâu.

– Khi làm việc với NH3 cần phải kiểm tra kỹ bình chứa, van, vòi dẫn. Nếu phát hiện bất thường cần ngay lập tức dừng thao tác và tìm các biện pháp xử lý kịp thời.

– Đề phòng NH3 lỏng bay hơi sẽ thu nhiệt và giữ trạng thái lỏng lâu, khi tiếp xúc có thể gây bỏng lạnh rất nguy hiểm.

– Khi dùng amoniac lỏng đóng bình, không được dùng đến hết kiệt mà phải dừng sử dụng khi áp suất còn 0,05 MPa (0,5 atm).

– Tuyệt đối không sửa chữa bình chứa NH3 khi trong bình đang còn áp suất. Nghiêm cấm để lẫn bình, bồn chứa NH3 với các bình chứa các chất khác, đặc biệt là bình chứa khí oxy. 

Tại Mỹ có quy định cụ thể về chế tạo, sử dụng bình, bồn chiết nạp NH3 lỏng như sau:

– Cơ sở thiết kế và sản xuất bình, bồn chứa phải có chứng chỉ, giấy phép của cơ quan chức năng. Từng loại bình, bồn phải có chứng nhận hợp quy.

– Người thao tác chiết nạp NH3 phải được đào tạo chuyên nghề và kiểm tra tay nghề. Khi thao tác chiết nạp phải thật thận trọng, mở van chậm để tránh áp suất thay đổi đột ngột.

– Không được nạp đầy bình, bồn. Khối lượng NH3 tối đa được nạp là G = 0,53 V.

– Kiểm tra các bình, bồn đựng theo định kỳ một hoặc 2 năm một lần. Phải đóng có dấu xác nhận của cơ quan chức năng khi kiểm tra lên vỏ bình, bồn. Dụng cụ chứa cần được định kỳ bảo dưỡng để tránh hư hỏng, rò rỉ. Các bình, bồn này khi không sử dụng nữa thì cần đặt nơi khô ráo, không dùng để đựng các chất khác khi chưa được đánh dấu lại theo đúng quy định. 

Cách phát hiện và xử lý các tình huống rò rỉ amoniac

– Để phát hiện vị trí rò rỉ amoniac trên đường ống có thể dùng giấy chỉ thị ướt (tẩm phenolphtalein, quỳ). Nếu có rò rỉ cần nhanh chóng khóa ngắt nguồn phát NH3, quạt thông gió. Dùng nước phun mưa toàn bộ hệ thống để hòa tan và pha loãng NH3. Cần nhanh chóng nằm thấp để tránh luồng NH3, bịt mũi bằng khẩu trang ướt và rời khỏi nơi ô nhiễm theo hướng ngược chiều gió, sau đó lái quạt gió hướng vào bình chứa NH3.

– Trong trường hợp sự cố van bình bị hỏng và có một lượng lớn NH3 lỏng bị thoát ra, có thể dùng đất, cát để ngăn hoặc đào hố chứa NH3 lỏng để giảm khả năng tràn rộng và hạn chế sự bốc hơi chất này. Có thể dùng bọt bình bọt cứu hỏa hoặc tấm nhựa để che lên bề mặt NH3 lỏng. Nếu không có đất, cát hoặc không đào được hố chứa NH3 lỏng thì có thể tìm cách quay thùng chứa NH3 lỏng sao cho van ở vị trí cao nhất nhằm hạn chế tốc độ NH3 thoát ra. (một lít NH3 thể lỏng thoát ra tương đương với 1.000 lít khí NH3).

Chú ý: Các thao tác trên đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và tránh để cơ thể tiếp xúc với amoniac lỏng. Tuyệt đối không phun nước trực tiếp và amoniac lỏng vì sẽ làm bay hơi nhanh hơn, tăng nhanh nồng độ amoniac trong không khí. Mọi sự cố, tai nạn liên quan đến chiết nạp, sử dụng, chuyên chở NH3 cần phải báo cáo ngay với cảnh sát hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Trần Ngoan 

Đăng ký tư vấn

Đăng ký Email để nhận tin tức mới nhất từ chúng tôi được gửi đến hộp thư đến của bạn!

TOP

0975 09 12 12