Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khảo sát hệ thống xử lý nước tại cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất). (Ảnh: Hà Nội Mới)
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay có 19/70 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động ổn định; 5 cụm đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa vận hành chính thức; 2 cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động. 44 cụm công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên nước thải từ các cơ sở sản xuất trong cụm được doanh nghiệp tự xử lý hoặc xả thẳng ra môi trường…
Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội vừa thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng cho rằng, trong giai đoạn đầu, công tác bảo vệ môi trường của các cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thiếu quy hoạch hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Tại những nơi đã có trạm xử lý nước thải, ngoài việc chưa xây dựng được quy chế quản lý sau đầu tư, đa số chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện nên chưa chủ động được kinh phí cho các hoạt động quản lý, dẫn tới khó khăn khi vận hành. Tại Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất), việc quản lý vận hành trạm xử lý nước thải tập trung còn giao cho cấp xã, dẫn tới hiệu quả thấp.
Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, phương thức thu giá dịch vụ xử lý nước thải cụm công nghiệp không hấp dẫn nên không kêu gọi được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Vì thế, cơ quan chủ quản cần sớm phối hợp với các ngành liên quan điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2023. Qua đó hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đúng quy định.